Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

14 tỷ phú hào phòng nhất thế giới

Trong số 793 tỷ phú đôla của thế giới, tạp chí Forbes chỉ tìm thấy 11 người sẵn sàng cho đi hơn 1 tỷ USD để giúp đỡ người khác. Trong số đó, không thể không nhắc tới Bill Gates hay Warren Buffet.
Ngoài 11 tỷ phú trên, còn có 3 người tuy tài sản chỉ đáng giá trăm triệu USD, nhưng vẫn chi nhiều hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ cộng đồng và giúp đỡ những người kém may mắn. Do đó, họ cũng được liệt kê vào danh sách tỷ phú từ thiện của thế giới.



Hầu như tất cả 14 tỷ phú này đều làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình, chỉ trừ một người có tài sản nhờ thừa kế. Trong đó, Thị trưởng New York Michael Bloomberg và người giàu nhất Hong Kong Li Ka-shing từng bỏ học từ năm 15 tuổi. Năm trong số 14 người tạo lập thành công trong lĩnh vực công nghệ. 
Ngay cả những người hào phóng nhất cũng phải bớt hào phóng hơn trong suy thoái. Điều này chứng minh một sự thật rằng phần lớn số tiền từ thiện trích ra từ thị trường chứng khoán, vốn mất khá nhiều giá trị khi kinh tế lao đao. Một thống kê của Mỹ cho thấy tổng số tiền làm công tác nhân đạo đã giảm 2% trong suy thoái. Ngay cả tỷ phú nổi tiếng nhân từ Warren Buffet, người mỗi năm một lần trích cổ phiếu làm từ thiện, cũng chỉ đóng góp 1,25 tỷ USD hồi tháng 7 vừa rồi, ít hơn năm ngoái 500 triệu USD và giảm 350 triệu USD so với 2006...

Một điểm đáng chú ý nữa trong danh sách là số lượng người Mỹ chiếm áp đảo với 10 trên tổng số 14 nhân vật. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 45% tỷ phú thế giới hiện sống ở Mỹ. Nhiều người Mỹ khác cũng từng nổi tiếng với lòng nhân từ như Andrew Carnegie và David Rockefeller. "Một trong những lợi thế của nước Mỹ là lòng bác ái. Những nơi khác như Mỹ Latinh không hề có các tổ chức chuyên đi làm công tác nhân đạo", Peter Fuchs, người đứng đầu quỹ Viva Trust nói. 
Trong khi đó, tỷ phú Li Ka-shing, đại diện duy nhất của châu Á, từng phát biểu: "Giá trị truyền thống của châu Á khuyến khích, thậm chí đòi hỏi người giàu phải giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Ngay cả khi các chính phủ không có chủ ý xây dựng nền văn hóa cho tặng, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm trong tim về trách nhiệm đóng góp cho xã hội và chăm sóc trẻ em". 

Để lập danh sách và tính toán các con số, Forbes phải liên hệ nhiều quỹ phi lợi nhuận, chuyên gia, tổ chức, các nhà kinh tế và hỏi chính nhà hảo tâm. Chỉ có tiền đã được chi một cách công khai mới được tính. Tỷ phú William Barron Hilton từng cam kết sẽ dành 1 tỷ USD làm từ thiện. Nhưng ông không được liệt kê vì số tiền này sẽ chỉ được hiến tặng sau khi ông chết. Tỷ phú Mexico Carlos Slim Helú thành lập Quỹ Carlos Slim và đóng góp tới 4,5 tỷ USD vào đó. Tuy nhiên, ông cũng không được đưa vào danh sách do quỹ này nhất quyết không tiết lộ thông tin.


14 tỷ phú hào phóng nhất Thế giới


1. Bill Gates 
(Bill Gates, tổng số tiền từ thiện: 28 tỷ USD. Ảnh: propertyinvesting.net)

Tiền quyên góp của Bill Gates rải đều khắp các lĩnh vực, từ hệ thống máy tính của Đại học Harvard đến xây dựng thư viện, trường học và quyên góp cho các quỹ địa phương. Việc quyên tiền của ông được chính thức quy về một mối từ năm 1999 khi thành lập quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, với số tiền ban đầu 15 tỷ USD lấy từ cổ phiếu Microsoft. Quỹ này nhận được sự ủng hộ lớn của người bạn thân lâu năm Warren Buffet. Kể từ đó đến nay, hàng năm quỹ của vợ chồng nhà Gates chi trung bình 3 tỷ USD mỗi năm, tập trung vào chăn sóc sức khỏe, đặc biệt cho 3 căn bệnh AIDS, sốt rét và lao phổi.

2. George Soros 
(George Soros, tổng số tiền từ thiện: 7,2 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Soros ủng hộ cho nhiều lĩnh vực như làm sạch bệnh viện tại California, đóng góp cho nhiều nghiên cứu khoa học tại Nga. Quỹ mà ông đóng góp nhiều nhất, Viện Open Society, chi 540 triệu USD riêng trong năm ngoái, chủ yếu vào việc nâng cao tính dân chủ. Một trong những lĩnh vực Soros chú trọng những năm gần đây là giúp đỡ cộng đồng thiểu số chống lại sự phân biệt chủng tộc, bao gồm những người Roma tại Đông Âu và người Hồi giáo tại Tây Âu.

3. Gordon Moore 
(Gordon Moore , tổng số tiền từ thiện: 6,8 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Người sáng lập ra hãng Intel nổi tiếng với giọng nói và phong thái nhỏ nhẹ. Năm 2000, ông cùng vợ dành 6 tỷ USD lập ra quỹ Gordon and Betty Moore Foundation. Quỹ tập trung vào nghiên cứu khoa học, các vấn đề môi trường và đào tạo y tá. Ý tưởng thành lập quỹ thai nghén sau một lần vợ của Moore là Betty bị một y tá tiêm nhầm thuốc. 

4. Warren Buffett 
(Warren Buffett , tổng số tiền đóng góp: 6,7 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Hồi 2006, Warren Buffett từng đưa ra cam kết sẽ đóng góp cho Quỹ của vợ chồng Bill Gates 30 tỷ USD trong vòng 20 năm. Cũng như sự khôn ngoan khi ông luôn đầu tư đúng chỗ, Buffett khẳng định tiền quyên góp của ông sẽ trở nên có ích hơn nếu đưa cho nhà Gates. Bill Gates từng phát biểu trong chương trình Charlie Rose: "Nếu bạn nhỡ tay sử dụng sai mục đích tiền của chính mình, cảm giác sẽ đỡ tồi tệ hơn so với việc phung phí tiền của người khác". 

5. Eli Broad 
(Eli Broad, tổng số tiền đóng góp: 2 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Khởi nghiệp là một công nhân xây dựng, Broad làm giàu nhờ tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm. Tiền từ thiện của ông tập trung vào giáo dục, bao gồm đóng góp cho các trường học. Ông cũng ủng hộ cho bảo tàng nghệ thuật đương đại tại quê nhà Los Angeles. Lần gần đây nhất, Eli Broad cùng vợ đã trao 600 triệu USD cho các viện mới thành lập tại Harvard và M.I.T. Hai vợ chồng ông còn dự định sau này sẽ cho đi tất cả gia sản của họ, hiện ước tính đạt 5 tỷ USD.

6. James Stowers 
James Stowers, tổng tiền quyên góp: 1,9 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Stowers không còn có mặt trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới từ năm 2000. Tuy nhiên, khác với những người bị loại vì chết hoặc mất tiền, ông trùm quỹ tương hỗ xuống hạng vì đã đóng góp 1,2 tỷ USD cho các khoa viện và công tác nghiên cứu khoa học. Mới đây, ông cùng vợ tiếp tục quyên 700 triệu USD cho việc nghiên cứu bệnh ung thư, bệnh tim và tiểu đường. 

7. Vợ chồng Herbert và Marion Sandler 
(Vợ chồng Herbert và Marion Sandler, tổng số tiền quyên góp: 1,5 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Nhà Sandlers từng bán Ngân hàng Golden West do họ sáng lập cho Ngân hàng Wachovia lấy 25 tỷ USD hồi 2006. Kể từ đó, họ bắt đầu công tác từ thiện bằng cách bỏ ra 1,3 tỷ USD thành lập quỹ của riêng mình. Nhà Sandlers cũng tài trợ cho nhiều tổ chức khác và các nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh hen.

8. Michael Bloomberg 
(Michael Bloomberg, Ttng số tiền quyên góp: 1,5 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Tỷ phú Bloomberg luôn âm thầm đi làm từ thiện ngay cả khi ông đang tranh cử nhiệm kỳ thứ ba chức Thị trưởng New York. Hồi 2007, ông chuyển 900 triệu USD vào quỹ từ thiện của gia đình. Ngoài ra ông còn tham gia đóng góp cho quỹ của vợ chồng nhà Gates nhằm chống lại việc hút thuốc. Ngoài ra, ông còn góp 200 triệu USD cho trường cũ Johns Hopkins University nơi ông ngồi trong ban điều hành, 50 triệu USD cho liên hợp Princeton Carnegie và hơn 200 triệu USD cho hơn 850 tổ chức xã hội khác. Bloomberg từng tuyên bố sau khi nghỉ hưu và xa rời chính trị, ông sẽ dành toàn bộ thời gian để phân phát khối tài sản trị giá 16 tỷ USD.

9. Li Ka-shing 
(Li Ka-shing, tổng số tiền đóng góp: 1,7 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Nhà hảo tâm của châu Á từng có tuổi thơ không mấy êm đềm khi phải bỏ học từ năm 15 tuổi để đi làm phụ giúp gia đình. Sau những thành công trên thương trường, ông thành lập quỹ từ thiện vào năm 1980, tập trung vào giáo dục và phổ biến văn hóa. Một trong những nơi được tỷ phú Li đóng góp nhiều nhất là Đại học Shantou, nơi nhận 420 triệu USD suốt nhiều năm liền. Vào tháng 1/2005, ông bán cổ phần tại ngân hàng Canada Imperial Bank of Commerce và trích ra 1 tỷ USD vào quỹ của mình. Hồi 2006, Li từng tuyên bố sẽ dành một phần ba trong khối tài sản 16,2 tỷ USD vào quỹ từ thiện mà ông thường âu yếm gọi là "đứa con trai thứ ba". 

10. Dietmar Hopp 
(Dietmar Hopp, tổng số tiền quyên góp: 1,25 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Đồng sáng lập của hãng phần mềm Đức SAP quyên góp tới 70% cổ phần do ông sở hữu hồi 1995 vào quỹ từ thiện mang tên ông. Quỹ Dietmar Hopp tập trung nghiên cứu chữa ung thư, các bệnh của trẻ em, và nâng cao tinh thần thể dục thể thao cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, việc quản lý tài chính của quỹ này không thành công dẫn đến việc năm 2003, Hopp lại thành lập ProJustitia, một tổ chức phi lợi nhuận làm các nghiên cứu khoa học về hệ thống luật pháp của Đức. Nếu không làm từ thiện, chắc chắn Hopp đã không bị rơi ra khỏi danh sách 793 tỷ phú thế giới trong năm nay và khối tài sản có thể đạt 2 tỷ USD.

11. Michael Dell 

(Michael Dell, tổng số tiền từ thiện: 1,2 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Hồi 1999, Michael cùng vợ mình là Susan Dell thành lập quỹ mang tên họ với mục đích nâng cao điều kiện sống cho trẻ em nghèo tại vùng đô thị. Tiền được dành làm học bổng cho những em nhỏ có thành tích học tập tốt, và để quyên góp cho các trường học. Gần đây, Dell còn mở rộng hoạt động sang ngăn chặn bệnh béo phì ở trẻ em. 

12. Klaus Tschira 

(Klaus Tschira, tổng số tiền quyên góp: 1,1 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Cùng với Dietmar Hopp, người đồng sáng lập hãng phần mềm SAP đồng thời là nhà vật lý Klaus Tschira cũng từng góp 7 triệu USD từ cổ phiếu để thành lập tổ chức phi lợi nhuận Klaus Tschira Stiftung. Tổ chức này hỗ trợ nghiên cứu toán, khoa học công nghệ và khoa học tự nhiên. Là một nhà thiên văn nghiệp dư, tên ông được đặt cho một ngôi sao nhỏ. Ông đã rời bỏ SAP để dành trọn thời gian cho tổ chức từ thiện, hiện có trụ sở tại ngôi nhà cũ của người từng đoạt giải Nobel hóa học, Carl Bosch. Vài trong số những chương trình được Tschira tài trợ là hội trại máy tính và giao tiếp cho những người khiếm thị, các giải thưởng phần mềm dành cho những sinh viên ngành máy tính.

13. Stephan Schmidheiny
(Stephan Schmidheiny, tổng số tiền từ thiện: 1 tỷ USD. Ảnh: Forbes)

Là thế hệ thừa kế thứ tư của một hãng công nghiệp Thụy Sĩ - Đức, Stephan Schmidheiny, quyết định nghỉ hưu vào năm 2003 để dành toàn bộ thời gian cho công tác nhân đạo. Năm vừa rồi ông thành lập quỹ Viva Trust, đầu tư tiền vào công ty ống nước và trồng rừng Grupo Nueva. Lợi nhuận của công ty này được dùng cho các hoạt động phát triển xã hội tại Mỹ Latinh.

14. Ted Turner
(Ted Turner, tổng số tiền làm từ thiện: 1 tỷ USD. Ảnh: Forbes)


Có vẻ như Ted Turner là ngôi sao ngành giải trí đầu tiên chi tiền tỷ đề làm từ thiện. Trùm truyền thông của Mỹ từng nhiều lần chỉ trích các tỷ phú khác vì tội keo kiệt và không chịu phân phát đồng nào. Năm 1998, ông cam kết sẽ dành 1 tỷ USD cho các tổ chức nhân đạo thuộc Liên Hợp Quốc. Kể từ đó đến nay, hàng năm ông đều đặn chi tiền để thực hiện lời hứa, kể cả khi tài sản bốc hơi đáng kể sau vụ sáp nhập của hai hãng AOL và Time Warner.

(Theo:Thanh Bình - VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng nổi bật

08 quy tắc vàng của hệ thống chất lượng

English Vietnamese The Eight Principles of Quality Management Preface: Quality management is becoming increasing...